Từ trước đến nay, người Hoằng Hóa luôn coi trọng sự học. Có thể vì lẽ đó Hoằng Hóa đã trở thành vùng đất hiếu học, đất khoa bảng, nơi sản sinh ra nhiều văn thần, võ tướng tài năng, có nhiều cống hiến, đóng góp cho dân tộc.
Đại diện lãnh đạo huyện Hoằng Hóa trao thưởng cho các em học sinh giỏi các cấp năm học 2018-2019.
Truyền thống khoa bảng
Người Hoằng Hóa cho đến hôm nay vẫn mãi thuộc lòng câu ca dao: “Dạy con từ thuở tiểu sinh/ Gần thầy, gần bạn, tập tành lễ nghi/ Học hành cách vật, trí tri/ Văn chương, chữ nghĩa nghĩ gì cũng thiêng”, hay “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”, hay “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”…
Không chỉ gia đình, dòng họ khuyến khích con cái học hành, mà mỗi cộng đồng làng, xã trên vùng đất này đều chăm lo, khuyến khích việc học của lớp trẻ, thể hiện qua các điều lệ, điều luật trong các hương ước còn được lưu giữ đến ngày nay. Các trướng văn của các làng, xã ở vùng đất này đều được viết với tinh thần tự cường về truyền thống của làng, trong đó có truyền thống hiếu học. Rất nhiều làng, xã đã xây dựng từ chỉ, văn chỉ để bày tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ các bậc tiên hiền đã tạo dựng, hun đúc nền học vấn của quê hương, hy vọng, khuyên bảo con cháu dốc công học tập, rèn luyện để mong ngày hiển đạt.
Đầu thế kỷ XV, Bảng Môn Đình đã được xây dựng trên đất Hoằng Hóa. Đây là nơi hội tụ, nơi tổ chức các hoạt động đào luyện những người theo nho học, những trí thức của làng thông qua những sinh hoạt như giảng sách, bình văn, lý giải kinh nghĩa. Bảng Môn Đình ở Hoằng Lộc là minh chứng cho việc vinh quy bái tổ, là nơi đón tiếp những người đỗ đạt khi về làng trước đây. Đây là nơi tôn vinh, đề cao việc học theo một khuôn phép nghiêm ngặt của lệ làng, lấy trình độ học vấn để phân biệt ngôi thứ, đậu cao thì ngồi chiếu trên, đậu thấp thì ngồi chiếu dưới, không phụ thuộc vào chức tước.
Chính vì lẽ đó mà từ lâu đời Hoằng Hóa được xem là vùng đất hiếu học, đất khoa bảng, nơi sản sinh ra nhiều văn thần, võ tướng tài năng, có nhiều cống hiến, đóng góp cho dân tộc. Dân gian Thanh Hóa vẫn lưu truyền câu “Thi Hoằng Hóa, khóa Đông Sơn”, hay “thầy đồ Hoằng Hóa, thầy khóa Đông Sơn”, nhằm khẳng định thành tích học hành, khoa bảng thuộc hàng đầu của 2 huyện Hoằng Hóa và Đông Sơn.